Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện


Trong chính văn kinh Hoa Nghiêm, đại Bồ tát Phổ Hiền khen ngợi công đức thù thắng của Như Lai rồi bảo Thiện Tài rằng: “Này Thiện nam tử! Mười phương Phật nói công đức của Như Lai trải số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết; bất khả thuyết cõi Phật, cũng không nói hết được. Ai muốn trọn đủ công đức ấy phải tu 10 đại hạnh nguyện Phổ Hiền!”.

Trong mùa Phật đản Kim Cương thừa (tháng 5 â.l) sau kỳ Pháp hội đầy cảm xúc, các Phật tử Drukpa Việt Nam lại có dịp hội ngộ dưới mái nhà chung cùng nhau tu tập thực hành, tích lũy công đức. Trong các Pháp được Đức Pháp Vương sách tấn chúng ta tu tập vào quãng thời gian đặc biệt thù thắng này có Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương, kinh tiếng Tạng gọi là Monlam Zangchod. Đức Pháp Vương từng khai thị: “Kinh Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương này do chính từ kim khẩu của Đức Phật tuyên thuyết ra, lời nói từ một bậc Thầy đã chứa đựng ân phúc gia trì rất lớn, lời nói từ kim khẩu của chính Đức Phật thuyết ra thì năng lực còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trì tụng dù chỉ một lần khóa lễ Monlam Zangchod cũng giúp bạn tích lũy vô biên công đức; việc trì tụng cộng đồng với tâm Bồ đề và sự hồi hướng thanh tịnh sẽ giúp viên mãn mọi tâm nguyện, cho quốc thái dân an, vạn loài hạnh phúc”.

Có lẽ phần đông Phật tử Việt Nam đều biết đến Đức Phổ Hiền qua các tranh tượng Tam Tôn thường được gọi là Thích Ca Tam Thánh hay Hoa Nghiêm Tam Thánh, trong đó Đức Thế Tôn ở giữa, bên phải Ngài là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng cầm hoa sen, bên trái Ngài là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử cầm gươm báu. Trong ý nghĩa hình ảnh đức Phổ Hiền này thì Voi trắng chỉ cho sức mạnh của tu tập, hoa sen chỉ cho sự thanh tịnh của đức hạnh. Đồng thời, voi trắng còn tượng trưng cho sự thắng vượt, hoa sen cũng mang một ý nghĩa trí tuệ viên mãn.

Phổ Hiền cưỡi voi sáu ngà nêu biểu “Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo vô biên tội. Nay tu theo lời Phật dạy, sáu căn chuyển thành sáu ngà giúp Ngài tạo muôn vàn công đức. Sáu ngà là sáu thần thông. Voi là loài có khả năng chở nặng đi ngược dốc không gì chướng ngại. Sức mạnh của voi nêu biểu bất tư nghì lực, hàng phục tất cả những việc khó làm".

Ý nghĩa về Bồ Tát Phổ Hiền được kinh điển Đại thừa triển khai rất rộng rãi và xúc tích. Ngài xuất hiện trong các kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang Đảnh, Bi Hoa, Địa Tạng, Mạn-đà-la Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát…và được giải bàn ý nghĩa trong rất nhiều luận giải.

Nói đến Bồ tát Phổ Hiền là nói đến Đức hạnh, sự tu hành tinh tấn, giới luật nghiêm minh. Đại nguyện của Ngài là đại nguyện của chư Bồ Tát nói chung, biểu hiện cho giới đức, cho sự tinh tấn tu tập, đưa giáo pháp của Đức Phật đến với mọi chúng sinh, cho đến khi cùng với mọi chúng sinh được giải thoát tối hậu Niết bàn. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Đức Phật dạy về hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền như sau: “ Các ông nghe hạnh nguyện vương mà chớ sinh lòng ngờ, phải nên chân thật nhận lấy, nhận rồi nên đọc, đọc rồi nên tụng, tụng rồi nên trì, cho đến biên chép, nói rộng cho người. Những người ấy trong một niệm, tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, đạt được vô lượng vô biên công đức, có thể ở trong biển khổ phiền não lớn cứu vớt chúng sinh, khiến họ xuất ly, đều vãng sinh thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-đà”. Tin theo lời Phật, chúng ta tin và hành theo Bồ tát Phổ Hiền, đặc biệt là sự nỗ lực trì tụng và thực hành hết khả năng theo mười hạnh nguyện của Ngài.

Duyên do của phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện: Xưa kia, lúc đức Thế Tôn thị hiện thành Phật; lúc ban sơ, nhập định dưới cội Bồ Đề, giảng kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm; giảng thuyết lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, cảnh giới một niệm và cả kiếp viên dung. Nói cách khác, siêu việt cả thời gian lẫn không gian, chẳng có thời gian dài hay ngắn, chẳng có không gian xa hay gần. Đây chính là cảnh giới giải thoát giác ngộ chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật, Bồ Tát chứng đắc.

Phổ Hiền hạnh mênh mông bát ngát trùm khắp pháp giới, thu gọn mười điều gồm trong việc kính lễ, xưng tán Phật, tu hạnh cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thuyết pháp độ sanh, thỉnh Phật trụ thế, theo Phật mà tu học, tùy thuận ý chí của chúng sinh, và hồi hướng công đức cho chúng sinh. Thành tựu mười hạnh nguyện Phổ Hiền, chúng ta sẽ đạt quả vị Như Lai. Thực tế ta không thấy Phổ Hiền nhưng hiện hữu tác động của Ngài vô cùng, không đâu Ngài không đến, tùy yêu cầu của chúng sinh. Yêu cầu gì Ngài hiện thân đó. Nếu cố chấp Phổ Hiền với một loại hình, sắc thân cố định, chúng ta sẽ không có và không thành tựu Phổ Hiền. Nơi quả đức Như Lai viên mãn, nhất định phải tu đại hạnh thì phúc đức mới viên mãn. Mỗi một hạnh môn đều tương ứng với tự tính, nhưng mỗi một hạnh môn lại trọn khắp pháp giới. Đã thế, mỗi một hạnh môn lại bao trùm hết thảy hạnh; hết thảy hạnh cũng đều bao gồm trong một hạnh. Đấy chính là bản thể của Phổ Hiền hạnh, mà cũng là hạnh Phổ Hiền Bồ Tát thực hành. Nói cách khác, do phương pháp tu hành này mà thành tựu Phổ Hiền Bồ Tát.

Đức Văn Thù đưa Thiện tài nhập Pháp giới để gặp Phổ Hiền. Thiện Tài không thấy Phổ Hiền bằng mắt. Phải quan sát Phổ Hiền hạnh mới thấy. Nhờ thiện căn phúc đức nhiều đời, Thiện Tài thấy thân Phổ Hiền trùm khắp pháp giới. Ba đời chư Phật đều nằm trong một chân lông của Phổ Hiền. Phổ Hiền có khả năng phân thân mười phương và thu gọn tất cả vào một chân lông (trí phàm chỉ đứng ngoài lề, không thể nào dùng tâm nhị nguyên giải thích được cảnh giới Phổ Hiền).

Phổ Hiền có khả năng chẻ các thế giới thành bụi, uống cạn nước bằng biển và bao nhiêu chúng sinh trong đó không hề biết là mình đã vào trong bụng Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ tát tuyên bố chỉ duy nhất có một việc Ngài không làm nổi là nói được hết công đức của Như Lai. Phải vào Phổ Hiền hạnh môn, tu Phổ Hiền hạnh nguyện mới hiểu được thế nào là công đức Như Lai. Trước hết phải ngộ nhập biển tính Tỳ Lô Giá Na (Phổ Hiền Pháp Thân).

Văn Thù là trí đức, Phổ Hiền là hạnh đức. đó chỉ là một cách phân biệt hai khía cạnh của cùng một thể tính Phật tuyệt đối, tâm sáng suốt bất nhị giữa vạn Pháp và tính không viên diệu bất tư nghì. Cho nên Phổ Hiền hay Văn Thù vẫn là trong một thể tính. Phổ Hiền là tam-muội tự tại, Văn Thù là bát-nhã tự tại, Tam muội là thiền định, Bát nhã là trí tuệ. Thiền định là tất yếu của trí tuệ. Thiền định rốt ráo là trí tuệ. Trí tuệ là kết quả của Thiền định. Tu định để có tuệ, tu Tuệ thì không thể không có định. Chẳng qua đây chỉ là tạm phân biệt giữa Hành (Phổ Hiền) và Chứng (Văn Thù) để rõ nghĩa cái công năng và kết quả tu tập. Do đó, trong Kinh Phổ Hiền đức Văn Thù phát nguyện nêu biểu tất cả công hạnh Phổ hiền đều bất khả phân và bắt nguồn từ trí tuệ tính không, chính vì thế mỗi từ trong kinh Phổ Hiền chứa đựng vô lượng công đức cho bất kể ai trì tụng


LỢI ÍCH TỤNG KINH PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN VƯƠNG


Nếu có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân dùng bảy món báu thượng diệu và đồ bảo châu an lạc tối thắng của Nhân Thiên, rất nhiều đến nỗi đầy tất cả thế giới như số cực vi trong vô lượng vô biên bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật khắp mười phương, đem bố thí cả cho bao nhiêu chúng sinh trong ngần ấy thế giới, cúng dường cả cho các Ðức Phật cùng Bồ Tát trong ngần ấy thế giới, trải qua vô số kiếp như số cực vi trong ngần ấy cõi Phật nối luôn không dứt, cúng dường bố thí như vậy được bao nhiêu công đức, đem sánh với công đức của người một phen nghe Mười điều nguyện vương này, thì công đức trước không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, nhẫn đến cũng không bằng một phần ưu ba ni sa đà của công đức nghe kinh này.

Hoặc có người dùng lòng tin sâu chắc ở nơi mười điều nguyện rộng lớn này thọ trì đọc tụng, cho đến biên chép một bài kệ bốn câu, thì sớm có thể dứt trừ được năm nghiệp vô gián, cả thảy thân bệnh, tâm bệnh, khổ não trong thế gian, cho đến tất cả các ác nghiệp nhiều như số cực vi trong cõi Phật đều được tiêu trừ, tất cả các quân ma, qủi Dạ Xoa, Qủy La Sát, hoặc quỷ Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Xà, Bộ Ða,... các quỷ thần hung ác uống máu ăn thịt thảy đều lánh xa. Hoặc là có gần đến thì là hạng phát tâm theo hộ trì.

Vì thế nên nếu người trì tụng nguyện này, thì đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng giữa lừng ra khỏi mây mù, các Ðức Phật, Bồ Tát đều khen ngợi, tất cả hàng Nhân Thiên đều nên lễ kính, tất cả chúng sinh đều nên cúng dường. Người Thiện Nam Tử này trọn được thân người, đầy đủ bao nhiêu công đức của ngài Phổ Hiền, chẳng bao lâu sẽ như Phổ Hiền Bồ Tát mau được thành tựu sắc thân vi diệu, đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, nếu sinh ở cõi người hay trời thì thường ở dòng cao quý, trọn có thể phá hoại tất cả đường ác, trọn có thể xa lìa tất cả bạn dữ, trọn có thể chế phục tất cả ngoại đạo, trọn có thể giải thoát tất cả phiền não, như sư tử vương dẹp phục bầy thú. Kham lãnh thọ sự cúng dường của tất cả chúng sinh.

Lại người này lúc lâm chung, phút cuối cùng, tất cả căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải bỏ lìa, tất cả oai thế đều bị thối thất, cho đến các quan phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi ngựa xe cộ, trân bảo kho đụn v.v... tất cả đều không đem một món nào theo được. Chỉ có Mười nguyện vương này chẳng rời người mà thôi. Trong tất cả thời gian nó thường ở trước dẫn đường, trong khoảnh khắc liền sinh về cõi Cực Lạc. Ðến Cực Lạc rồi liền thấy đức A Di Ðà Phật cùng các ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, v.v... các vị Bồ Tát này sắc tướng đoan nghiêm, công đức đầy đủ chung cùng vây quanh. Lúc bấy giờ người ấy tự thấy mình hóa sinh nơi hoa sen báu, được Ðức Phật xoa đầu thọ ký. Sau khi được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp, khắp cả mười phương bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới, dùng sức trí huệ tùy theo tâm của chúng sinh mà làm lợi ích. Chẳng bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ Ðề đạo tràng hàng phục quân ma, thành bực Chính Ðẳng Chính Giác giảng nói pháp mầu vi diệu. Có thể làm cho chúng sinh trong những cõi Phật như số cực vi trần của chúng sinh mà dạy dỗ cho thành thục, nhẫn đến cùng tận kiếp hải, có thể làm lợi ích tất cả chúng sinh một cách rộng lớn.

Này Thiện Nam Tử! Các chúng sinh kia hoặc nghe, hoặc tin nơi nguyện vương rộng lớn này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho người nghe. Công đức của chúng sinh kia chỉ có Ðức Phật Thế Tôn biết, ngoài ra không ai hiểu thấu. Vì thế nên những người được nghe Mười điều nguyện vương này chớ sinh lòng nghi ngờ, nên phải lãnh thọ, thọ rồi nên đọc, đọc rồi có thể tụng thuộc, tụng thuộc rồi nên gìn giữ luôn, cho đến biên chép vì người mà giảng nói. Những người như vậy, trong một niệm tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, được phúc vô lượng vô biên. Có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sinh, khiến chúng được giải thoát, đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà.

(Trích Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền)